ANH-HÙNG TIÊU-SƠN (Q.I: Hồi 1-10)

HỒI THỨ NHÌ

Anh hùng muôn năm cũ

Thanh-Mai uống một hớp nước trà, rồi tiếp:

– Đêm, quân Cửu-chân thình lình cướp trại. Quân Mê-linh mở tung cửa trại ra. Hai bên cùng nổi lửa đốt trại Hán. Quân Hán tan vỡ. Mã Viện vội vàng lên ngựa bỏ chạy. Chạy tới Linh-trường lại bị trúng phục binh của quốc công Chu Bá. Mã kinh hoảng bỏ chạy thục mạng, chỉ còn một người một ngựa. Tới Kẽm-trống, y ngừng lại để thở, xuống suối vục nước uống. Thình lình có tiếng chân ngựa phi. Y nhìn lên thì thấy Đức-ông. Không còn hồn vía nào nữa. Y nhủi vào bụi rậm trốn. Đức-ông đuổi đến nơi, thấy ngựa Mã, mà không thấy người. Đức-ông cho rằng hắn đã đổi ngựa chạy trốn. Thôi, chị để Tự Mai kể. Chị là con gái kể không được.

Cả bọn trẻ nhao nhao:

– Sao? Tại sao chị kể không được?

Trần Tự-Mai cười lớn:

– Có gì lạ đâu. Đức-ông đuổi Mã lâu qúa. Ngài mắc tè. Ngài vạch quần tè ngay vào bụi cây có Mã Viện núp. Nước tiểu của ngài tưới lên mặt Mã, mà Mã không dám động đậy, cứ phải ngồi im chịu trận. Giữa lúc đó một đạo quân của Phùng Đức kéo đến. Đức-ông lên ngựa bỏ chạy. Bấy giờ Mã mới chui ở bụi rậm ra. Đức-ông tuy bỏ chạy, nhưng còn nhìn về sau, thấy Mã Viện từ trong bụi chui ra. Đức-ông bật cười quay trở lại, hỏi y:

– Phục-ba tướng quân. Thế nào, người uống nước đủ chưa?

Mã Viện tuy đã hoàn hồn. Nhưng chân tay vẫn còn run. Y ra lệnh cho Phùng Đức:

– Phùng tướng quân. Mau giết chết tên Nam man kia cho ta.

Phùng Đức không hiểu gì. Y hỏi lại:

– Thành-Công đã đầu hàng triều đình, lại vô tội. Tại sao đem giết đi?

Mã Viện đã lấy lại được bình tĩnh:

– Nó trá hàng. Vì vậy ta bị bại. Tiền quân tan nát hết rồi.

Phùng Đức chợt hiểu. Y phóng chưởng tấn công đức ông. Phùng là chú, là sư phụ của Phùng Dị. Võ công Phùng Dị vốn cao hơn Đức-ông. Huống hồ sư phụ y. Đấu được hơn 20 chiêu. Đức-ông yếu thế bỏ chạy. Mã Viện xua quân đuổi theo. Đức-ông vừa đánh vừa lui. Khi về đến đây thì kiệt lực. Ngài nằm dài trên mỏm đá mà ngủ. Rồi hóa.

Ông từ giữ đền tiếp:

– Sự thực như thế này. Sau khi Đô đại vương cả phá quân Hán, ra lệnh thu quân. Điểm lại tướng sĩ thấy thiếu Đức-ông. Đại vương cho lệnh quân sĩ tìm Đức-ông. Đức ông có viên tiểu hiệu họ Tôn tên Trung-Thành. Viên tiểu hiệu phi ngựa tìm chúa tướng. Khi ông tới đây thì gặp Đức-ông. Đức-ông mệt quá, chỉ dơ tay ra hiệu, dặn dò đôi truyện rồi hóa. Ông tiểu hiệu đó là tổ tiên chúng tôi.

Sư thái Tịnh Huyền hỏi:

– À thì ra thế. Bần ni có một điều muốn thỉnh. Chẳng hay ông có thể cho biết chăng?

– Xin sư thái cứ dạy.

– Lúc biết vận nước sắp nguy kịch. Vua Bà lệnh cho Bắc-bình vương Đào Kỳ, Tể-tướng Nguyễn Phương-Dung, Đại-tư-đồ Phùng Vĩnh-Hoa họp nhau lại chép tất cả bí quyết võ công các phái Lĩnh Nam thành bộ Lĩnh-nam võ kinh. Lại sai chép tất cả học thuật của phái Sài-sơn như: phép trồng cấy, thiên văn lịch số, cùng bộ Dụng binh yếu chỉ của công chúa Thánh-Thiên. Sau đó sao cho mỗi phái một bản. Bản của phái Sài-sơn, do công chúa Nguyệt-đức giữ, bị cháy trong trận đánh cuối cùng với quân Hán. Bản của phái Long-biên do Tể-tướng Phương-Dung giữ thì trao cho sư đệ Đào Nhị-Gia, đem theo cùng với hai người con của ngài là Đào Tử-Khâm và Đào Tường-Qui. Đào Nhị-Gia tuyệt tích từ sau trận Long-biên. Bản của phái Cửu-chân thì bị thất lạc khi đại tướng quân Trần Dương-Đức tuẫn quốc trong thành Cẩm-khê. Bản của phái Hoa-lư cũng bị thất lạc sau khi chưởng môn là quốc công Cao Cảnh-Sơn tuẫn quốc trận Hát-giang. Chỉ có bản của phái Tản-viên hy vọng còn. Bản này do Đức-ông cất giữ. Không biết khi Đức-ông hóa, thì bản đó còn hay không?

Tôn Đản hỏi:

– Em nghe nói, cuối bộ Lĩnh-Nam vũ kinh còn ghi chú nơi cất dấu hai kho tàng lớn bậc nhất lịch sử cổ kim. Không biết kho tàng, vũ kinh có thực hay không, mà suốt gần nghìn năm nay trong võ lâm nổi lên không biết bao nhiêu phong ba, bão táp. Vùng này khốn khổ vô cùng, người ta đổ xô đến tìm những thứ đó. Chị Thanh-Mai, sự thực ra sao?

– Vũ-kinh đương nhiên có rồi. Còn kho tàng, sử ghi đàng hoàng. Hồi nhà Thương cai trị dân, bốn phương chư hầu tiến cống, châu báu kể sao cho siết. Chu diệt Trụ, kho tàng đó thuộc Chu. Chu phong tám trăm chư hầu. Hàng năm chư hầu tiến cống. Vua Chu cất vào với bảo vật đời Thương. Chu trải tám trăm năm, nhà Chu tích lũy báu vật chư hầu lại cùng với tích kim nhà Thương, biết bao nhiêu mà kể. Tần diệt Chu, lấy kho tàng đó. Tần thanh toán bẩy nước, thống nhất thiên hạ, thu vàng ngọc về tích ở Hàm-đan với kho tàng Thương-Chu thành kho Thương-Chu-Tần. Hán Cao-tổ vào Hàm-dương đầu tiên chiếm trọn vẹn kho tàng Thương-Chu-Tần, đem về chôn ở gầm điện Vị-ương. Các vua Hán đi cướp các nước xung quanh, hợp với kho tàng trên gọi là kho tàng Tần-Hán. Vương Mãng cướp ngôi Hán. Y biết mình không chính nghĩa, khó giữ ngôi vua. Y đào kho tàng Tần-Hán chôn ở hồ Động-đình. Thời Lĩnh-nam, Trưng Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Phật-Nguyệt đem quân đánh Trường-sa, biết nơi dấu kho tàng. Niên hiệu vua Trưng thứ nhất (39 sau TL), ngài sai công chúa Yên-lãng, Nghi Hòa đào lên đem về Giao-chỉ. Khi công chúa Yên-Lãng chở đến Khúc-giang, gặp đoàn cao thủ Mã thái hậu đuổi theo đánh cướp. Công chúa đem chôn cất tại đây.

Tôn Đản chau mày:

– Đây mới là kho thứ nhất. Kho thứ nhì ở đâu?

– Kho thứ nhì gồm tích sản 88 đời vua Hùng, vua An-Dương và Triệu Đà. Thời Lĩnh-nam, sau trận đánh Bạch-đế, kho tàng này về tay Thiên-ưng lục tướng. Trưng Nhị sai đại tướng Hồ Hác cùng Thiên-ưng lục tướng chôn ở núi Tản-viên. Bản đồ cả hai kho tàng đều chép vào cuối bộ Lĩnh-nam vũ kinh. Hơn nghìn năm qua, võ lâm thi nhau tìm bộ kinh thư này, bởi muốn trở thành anh hùng vô địch cũng có, muốn đoạt hai kho tàng cũng có. Vì vậy phong ba nổi lên không ngừng.

Ghi chú:

Tất cả những biến cố này, tôi đã thuật trong bộ Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử và Cẩm-khê di hận, do Nam-á Paris xuất bản.

Mặt ông từ hiện ra những nét kì dị khó hiểu.

Trời dần về khuya. Ông từ sai vợ thỉnh sư thái Tịnh-Huyền đi ngủ. Tôn Đản cùng các em nhường phòng ngủ của mình cho Thanh-Mai, Tự-Mai. Chúng ngủ ở phòng khách. Tự-Mai nói sẽ vào tai chị:

– Chị Thanh ơi! Em dám qủa quyết bộ Lĩnh-Nam vũ kinh với bộ Dụng-binh yếu chỉ, Đức-ông trao cho tổ tiên ông từ. Hiện ông từ còn lưu giữ. Vì hồi chiều em thấy Tôn Đản xử dung võ công Tản Viên. Về sau đổi sang Cửu- chân, Quách Quỳ mới bị bại.

– Đúng! Em nói đúng. Đối với võ công Lĩnh-nam, thì võ công Tản-viên đứng đầu. Còn đối với võ công Trung-nguyên, bị võ công Cửu-chân khắc chế, nên chỉ vài chiêu Tôn Đản thắng Quách Quỳ.

– Có một điều em không hiểu: Tại sao ông từ giữ tất cả kho tàng võ công Lĩnh-nam trong tay, mà chỉ dạy Tôn Đản có mấy chiêu. Vì vậy Tôn Đản tuy thắng Quách Quì, mà thắng rất khó khăn!

Thanh-Mai bẹo má em:

– Thằng chó này, nói trước quên sau. Bố chả từng dạy rằng: Khi chép võ kinh, binh thư, bao giờ người chép cũng dùng những thuật ngữ đặc biệt. Để lỡ ra khi di thư lọt vào tay người khác phái thì bí quyết mới không bị truyền ra ngoài. Sau đó người chép mới làm một bài ca khuyết, giải thích các thuật ngữ đó. Bài ca khuyết chỉ truyền khẩu cho con, cháu, đệ tử mà thôi.

Tự-Mai reo lên:

– Em nhớ ra rồi. Hồi xưa khi Vạn-tín-hầu Lý Thân chép bộ Văn-lang vũ kinh đã dùng cách đó. Bởi vậy Bắc-bình vương Đào Kỳ tìm thấy di thư trong cây gậy đồng mà không hiểu gì. Sau nhờ đại hiệp Nguyễn Phan dạy cho bài ca khuyết mới hiểu hết bí quyết của kiếm pháp Long-biên.

Thanh-Mai thở dài:

– Học thuật thời Lĩnh-nam được chép trong bộ di thư vĩ đại. Tiếc thay, đến nay không tìm ra. Sau khi vua Bà tuẫn quốc, các tướng lãnh ẩn vào dân chúng thu nhận đệ tử, truyền lại sở học. Song mỗi người chỉ nhớ được một phần nhỏ mà thôi. Ông từ họ Tôn chắc chắn có di thư trong tay. Nhưng ông không có khẩu quyết, vì vậy ông luyện tập không có kết qủa.

Tự-Mai chợt nhớ ra điều gì, nó « á » lên một tiếng:

– Có thể như thế.

Thanh-Mai hỏi:

– Cái gì?

– Người đứng chủ biên bộ sách ấy là công-chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa. Vậy chắc chắn bà chép bằng văn tự Khoa-đẩu của mình. Ông từ không biết văn tự đó nên không hiểu.

Thanh-Mai gật đầu:

– Có thể như thế.

Nhớ ra điều gì, Tự-Mai hỏi chị:

– Hôm nay là ngày mười bốn tháng hai. Ngày hai mươi mốt là ngày giỗ Lệ-hải Bà-vương. Khi chị em mình đi, bố không dặn bao giờ về, vậy chúng mình cứ theo sư phụ vân du khắp nơi cho sướng.

Thanh-Mai lắc đầu:

– Em tưởng. Đi như vậy, khi về, bố đánh què chân.

– Mình đổ thừa tự sư phụ chưa cho phép về. Mình theo sư phụ học hỏi, chứ đâu có đi chơi? Cứ đem sư phụ ra, là bố không bao giờ trách phạt bọn mình đâu mà sợ. Mình đi đến ngày mười sáu tháng tám, thế nào sư phụ cũng về Thăng-long dự giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ. Bấy giờ trước mặt sư phụ, đời nào bố mắng.

Thanh-Mai thấy em nói có lý, nàng bẹo má nó:

– Thằng này, mới tý tuổi mà đã nổi máu giang hồ rồi. À này, giỗ Bắc-bình vương năm nay chị e có đổ máu, chứ không giản dị đâu? Không biết bố sẽ về phe nào? Hôm trước sư phụ lo nghĩ về truyện này không ít. Người sợ bố đứng về phe phù Lê . Chứ không về phe ủng Lý .

– Truyện này em chưa nghe qua. Phù Lê với ủng Lý khác nhau thế nào, mà ngày giỗ Bắc-bình vương lại có đổ máu?

Thanh-Mai nói nhỏ:

– Từ khi vua Đinh thống nhất sơn hà, thì gần như trong nước mình, mọi quyết định do võ lâm ngồi lại với nhau. Võ lâm Đại-Việt mình hiện có các phái Mê-linh, Tiêu-sơn, Tản-viên, Sài-sơn, Tây-vu và Đông-a nhà mình. Ngoài ra còn ba mươi sáu trang, động cũng đỉnh lập ra một phái, song thế lực họ còn nhỏ, họ phải dựa vào phái lớn, nên không đáng kể. Khi vua Đinh bị giết, Lê Hoàn dùng hành vi dâm đãng, tư thông với vợ của chúa, rồi cướp ngôi con thơ. Các phái đều căm hận. Ấy vậy mà khi giặc Tống sắp qua, chưởng môn phái Tiêu-sơn là Vạn-Hạnh thiền sư triệu tập anh hùng trên núi Tiêu-sơn bàn kế đối phó. Bấy giờ phái Mê-linh, Sài-sơn, Tản-viên đều chống Lê Hoàn. Ông nội mình làm chưởng môn phái Đông-a, nêu ngọn cờ chính nghĩa giết giặc ngoài trước rồi hô hào võ lâm đánh Tống. Vì vậy các phái Sài-sơn, Mê-linh, Tản-viên đành tuân theo quyết định chung của ba phái kia, tha tội cho Lê Hoàn, cùng đứng lên dẹp giặc. Do đó Lê Hoàn thắng Tống lập ra nhà Lê.

Tự-Mai hiểu ra:

– Rồi mới đây, Lý Công-Uẩn lại dùng lối đó, cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Lý. Võ lâm thiên hạ không phục. Họ hẹn nhau nhân dịp giỗ Bắc-bình vương năm nay ở Thăng-long, bắt Lý Công-Uẩn thoái vị, trả ngôi về cho nhà Lê. Nhưng không biết phái nào bênh Lê, phái nào bênh Lý?

– Phái chống quyết liệt là Sài-sơn. Phái bênh Lý đương nhiên là Tiêu-sơn, vì Thuận-thiên hoàng đế Lý Công-Uẩn là đệ tử phái này. Phái Tây-vu, theo Lý, vì chưởng môn hiện là phò mã Thân Thừa-Qúi. Phái Mê-linh thì chưa biểu lộ ý kiến. Phái Tản-viên tùy theo thái độ phái Đông-a nhà mình.

– Thế ý kiến bố ra sao?

– Khó biết lắm. Bố với các sư thúc tuyệt đối im lặng. Vì vậy sợ rằng nếu bố chống Lý phò Lê, thì nhất định kéo theo phái Tản-viên… Trong trường hợp đó, võ lâm sẽ chém giết nhau ghê lắm. Lại còn cái vạ Hồng-thiết giáo nữa, không biết chúng thuộc phe nào?

Tự-Mai kinh ngạc:

– Hồng-thiết giáo, có phải bọn quỷ ăn thịt người không?

– Bậy nào! Hồng-thiết là một tôn giáo, từ Tây-vực Trung-quốc truyền vào Đại-Việt mấy chục năm trước. Hồi Thập-nhị sứ quân, hai trong sứ quân là đệ tử của họ. Họ chủ trương xoá bỏ hết Trời, Phật, tiên, thánh. Không thờ cả anh hùng dân tộc. Việc cúng giỗ tổ tiên cũng không. Trai gái tự do luyến ái, không cần mai mối, cưới xin. Không được có kẻ giầu, người nghèo. Ai cũng phải làm mới có ăn. Vì vậy dân nghèo theo họ rất đông. Khi vua Đinh diệt mười hai sứ quân, họ cũng bị diệt luôn. Thời nhà Lê, giáo chúng nổi lên mấy lần, đều bị diệt hết. Sau đức hoàng đế bản triều ban chỉ đại xá, cho họ hoạt động trở lại. Tuy vậy hành tung của họ rất bí mật. Giáo chủ là Nhật-Hồ lão nhân, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Dưới ông có mười trưởng lão, người nào võ công cũng kinh thế hãy tục.

– Thế võ công của mười trưởng lão này so với bố thì ra sao?

– Suýt soát nhau, một mười, một chín.

Tự-Mai á lên một tiếng:

– Như vậy Hồng-thiết giáo mạnh bằng phái Đông-a nhà mình rồi. Mười trưởng lão là những ai vậy?

– Không ai biết mặt mũi họ thế nào, mà chỉ nghe danh vài người như Vũ Nhất-Trụ, Nguyễn Chí, Lê Ba. Người ta đồn đại rằng mười trưởng lão đó, không phải ai đâu xa lạ, mà chính là các đại cao thủ danh môn chính phái.

Chợt Thanh-Mai sụyt sẽ một tiếng, nàng ghé mệng vào tai Tự-Mai:

– Có người đang đi lại phía phòng mình.

Hai chị em yên lặng, lắng tai nghe. Tiếng chân đến sát cửa phòng rồi ngừng lại nghe ngóng. Một lát có mùi hương xông vào mũi. Thanh-Mai bảo em:

– Nín thở. Chúng ta bị xông thuốc mê.

Nàng chỉ vào lỗ chó chui, bảo em:

– Em nhỏ người, chui ra trước đi. Còn chị ghé mũi vào khe cửa thở cũng được rồi.

Lỗ chó chui khá rộng, Tự-Mai nhanh nhẹn chui ra khỏi phòng. Trong khi đó Thanh-Mai cảm thấy đầu óc choáng váng. Nàng muốn lên tiếng gọi em, mà miệng mở không ra. Còn Tự-Mai yên tâm chị mình ghé mũi vào lỗ chó chui thở, nó không quan tâm gì nữa.

Tự Mai đưa mắt quan sát xung quanh. Tính tò mò, nó lần theo hàng hiên đi về phía cổng, núp vào bụi hoa mẫu đơn, phóng mắt nhìn vườn hoa phía trước. Nó nhận ra dưới gốc cây, có hai người núp. Một người chính là gã Triệu Anh đi trên xe ngựa hồi chiều. Một người là Quách Quỳ.

Nó suy nghĩ:

– Trong xe còn một người khỏang 25-26 tuổi tên Triệu Huy. Một người nữa khỏang 40 tuổi mà Quách Quỳ giới thiệu là Ngô Tích. Hai người này không có đây, chắc đang đánh thuốc mê. Bọn chúng là ai? Bề ngòai là khách trú. Võ công khá cao, chúng đánh thuốc mê, hẳn không phải để ăn trộm, mà mưu đồ gì khác.

Không phải chờ lâu, lát sau Triệu Huy từ trong nhà mở cửa bước ra. Y lên tiếng gọi:

– Xong rồi.

Triệu Anh ra lệnh:

– Ta với Quỳ lục soát đền thờ. Còn nhị đệ, tam đệ lục soát khắp nhà xem sao?

Chúng không úy kỵ gì, đốt đuốc lên sáng lòa, chia nhau đi lục xét. Tự-Mai men dọc các bụi hoa theo Triệu Anh lên phía nhà thờ. Hai người mải mê, đâu biết nó đang theo bén gót. Nó núp vào dưới bệ con ngựa gỗ, đưa măt nhìn.

Triệu Anh với Quách Quỳ lục lọi từ bát hương, cho tới ngai thờ, không bỏ sót một chỗ nào. Quách Quỳ hỏi:

– Sư phụ! Tại sao chúng ta đã có biết bao nhiêu sách binh thư. Nào là Lục-thao, nào là Tam-lược, nào là Tôn-Ngô. Tại sao chúng ta phải mất công lặn lội sang đây tìm cái đó?

Triệu Anh đáp:

– Con không biết đó thôi. Bộ Dụng binh yếu chỉ này cực kỳ tinh vi. Bọn Việt nhờ nó, cho nên thời Lĩnh-nam, dân chỉ bằng một phần trăm dân Trung-nguyên, thế mà vua Quang Vũ dốc binh nghiêng nước, phải bao phen lao đao mới chiếm đựơc. Nhà Hán hao tốn hàng trăm vạn binh, hàng mấy chục ngàn dũng tướng. Chúng ta cần bộ võ kinh đó. Trước chiếm đất Giao-chỉ làm căn bản. Sau đánh đuổi bọn Tây-liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn, Đại-lý.

Hai người vừa lục vừa nói truyện. Bỗng Quách Quỳ lật áo của pho tượng, la lên:

– Lưng tượng có vết hàn. Chắc tượng rỗng ruột.

Triệu Anh rút con dao trủy thủ ra, cậy vào vết hàn một lúc, rồi đẩy mạnh. Choang một tiếng, miếng đồng trên lưng pho tượng rơi xuống. Y thò tay vào trong moi ra hai cuốn sách. Y đưa sách vào ánh đuốc coi.

Ghi chú:

Hồi quân Minh sang đánh nhà Hồ, chúng nấu tượng Tương-Liệt đại vương ra đúc súng. Trong khi phá tượng, chúng tìm ra trong bụng tượng có ba quyển sách, chữ như con nòng nọc. Đó là văn tự Khoa-đẩu.

Bỗng binh binh hai tiếng, một người từ mái ngói nhảy xuống. Tay trái xỉa vào mặt Triệu Anh, tay phải đoạt sách. Nhanh như chớp, y bỏ sach vào túi. Rồi chuyển tay đánh thẳng vào hạ bàn Triệu Anh. Triệu Anh vung chưởng đỡ. Hai chưởng chạm nhau đến binh một tiếng, y bật lui mấy bước, quát lớn:

– Mi là ai? Tại sao lại can thiệp vào việc của chúng ta?

Người bị mặt không trả lời. Tay vẫn ra chiêu đều đặn. Tự-Mai nhận ra người bịt mặt xử dụng võ công Trung-nguyên, nhưng khác phái với Triệu Anh. Triệu Anh vừa đánh, vừa lùi dần ra cửa. Người bịt mặt cười khì, rồi vọt mình lên cao. Tay trái y bám lấy xà nhà. Tay phải phát chưỏng hướng mái ngói. Rầm một tiếng mái ngói vỡ tung. Người đó vọt mình ra ngoài. Y vừa đặt chân lên mái ngói, thì hai luồng kình phong tạt vào mặt. Triệu Huy, và Ngô Tích đón lại. Triệu Anh cũng đã lên mái ngói. Ba người vây tròn người bịt mặt vào giữa. Người bịt mặt không coi bọn Triệu Anh vào đâu. Y vừa đấu vừa cười:

– Tung-sơn tam kiệt, mà ba người đánh một. Võ đạo Thiếu-lâm cao thực.

Qua mấy chục chiêu người bịt mặt có vẻ núng thế.

Triệu Huy nói:

– Người là ai? Tại sao lại can thiệp vào việc này chúng ta? Người mau mau trao quyển sách đó trả chúng ta. Chúng ta sẽ để cho người rời khỏi nơi đây.

Người bịt mặt không trả lời. Chưởng phong đánh ra vù vù. Song chỉ một lúc sau người ấy đã yếu thế lắm rồi. Triệu Anh quát lên một tiếng, cả ba sư huynh đệ cùng phát ra một chưởng mãnh liệt. Người bịt mặt, vòng tay một vòng. Chưởng lực bốn người chạm nhau kêu lên một tiếng bùng lớn. Ba anh em Triệu Anh bật lui một bước. Còn người bịt mặt lảo đảo muốn ngã.

Bỗng Triệu Anh lui lại. Y hô lên một tiếng lớn:

– Tất cả ngừng tay!

Ba người lui lại. Triệu Anh hỏi người bịt mặt:

– Cứ như bản lãnh của ngừơi thực hiếm có trong thiên hạ. Hà cớ gì phải bịt mặt?

Người đó cười gằn:

– Ta bịt mặt vì không muốn gây hấn với phái Thiếu-lâm, chứ ta có coi Tung-sơn tam kiệt là cái quái gì? Thôi ta đi đây.

Người ấy hú rền vang không gian, rồi vọt mình vào đêm tối. Triệu Anh quát lớn:

– Đuổi mau.

Ba người hú lên một tiếng đuổi theo.

Trần Tự-Mai thấy ba cao thủ đi rồi. Nó phóng người ra chụp lấy Quách Quỳ. Quách Quỳ trầm người tránh. Nhưng không kịp, nó bị khống chế. Tự-Mai lấy dây lưng trói Quách Quỳ lại, dùng dẻ nhét vào miệng, túm áo bỏ vào bụi hoa gần đó. Nó cầm đuốc xuống nhà ngang, dùng tay gõ cửa phòng:

– Chị Thanh, mở cửa cho em mau.

Không có tiếng trả lời. Nó dùng vai huých mạnh. Cánh cửa bật tung ra. Nó đánh lửa lên, thấy Thanh-Mai nằm bên lỗ chó chui. Nó hiểu điều gì đã xẩy ra. Nó vội dùng khăn ướt lau mặt cho Thanh-Mai. Thanh-Mai tuy bị xông thuốc mê, nhưng nhờ công lực cao thâm, chân tay nàng không cử động nổi, chứ đầu óc còn minh mẫn lắm. Vừa cử động được, nàng bảo Tự-Mai:

– Chúng ta mau cứu tỉnh mọi người.

Hai chị em chạy vào phòng sư phụ, thì không thấy sư thái Tịnh-Huyền đâu. Còn bà Tôn Luận với Thanh-Nguyên đã tỉnh. Nhưng cả hai đều không cử động được.

Thanh-Nguyên hỏi:

– Chị Thanh, sư phụ đâu?

– Chị không biết nữa.

Thanh-Mai lại đi cứu tỉnh gia đình ông từ. Ông từ ngơ ngơ ngác ngác hỏi:

– Cái gì đã xẩy ra?

Tự-Mai đáp:

– Bọn gian nhân đánh thuốc mê, để ăn cắp di thư.

Nó tường thuật sơ lược mọi biến chuyển. Tôn Đản hỏi:

– Này anh Tự-Mai, thằng chệt con bị anh bắt đâu rồi?

– Tôi dấu nó ngoài bụi hoa.

Tự-Mai cùng Tôn Đản, Tôn Mạnh, Tôn Trọng và Tôn Qúy ra bụi hoa mang Quách Quỳ vào. Ông từ bàn:

– Như vậy thế nào bọn Triệu Huy cũng trở lại. Chúng ta phải đề phòng. Xin nhị vị phát tâm bồ đề trợ thủ với chúng tôi.

Thanh-Mai đáp:

– Xin ông cứ yên tâm. Song không biết sư phụ tôi đâu?

Ông từ suy nghĩ một lúc rồi đáp:

– Thưa hai vị cô nương. Tôi thực không phải với tôn sư và hai vị. Tôi họ Tôn tên Trung Luận. Nguyên tổ tiên tôi ngày trứơc làm tướng dưới quyền của Tương-Liệt đại vương Nguyễn Thành-Công, đã cùng ngài chiến đấu chống quân Hán đến khi sức cùng lực kiệt, chạy theo ngài đến đây. Trước khi ngài qui tiên, có trao cho tổ nhà tôi tất cả di thư của thời Lĩnh-Nam. Tổ tiên tôi ẩn thân làm ruộng trốn tránh qua ngày. Cho đến đời thứ tám, bấy giờ nhân cuộc khởi nghĩa của Lệ-Hải bà vương, mới dám xuất đầu lộ diện, đem di thư dâng Bà vương. Bà vương nhân đấy cho lập đền thờ Tương-Liệt đại vương. Tổ chúng tôi được cử giữ đền cho đến chúng tôi trải qua bốn mươi lăm đời.

Thanh-Mai thấy trên nét mặt Tôn Trung-Luận dường như có vẻ không thực, song nàng vẫn hỏi:

– Còn việc khoét lưng tượng đức ông cất di thư là do ông làm hay từ đời trước?

– Tôi không biết nữa. Khi thân phụ tôi qua đời, di chúc rằng sau pho tượng có cất dấu các di thư thời Lĩnh-nam, tuyệt đối không được lấy ra. Trái lời sẽ mang họa diệt tộc. Vì vậy, tôi không giám đụng đến.

Tự-Mai bàn:

– Bọn khách trú Triệu Anh thế nào cũng trở lại. Vậy chúng ta phải chuẩn bị đối phó. Không biết bọn chúng là ai?

Bốn anh em Tôn Đản ngang tuổi với Trần Tự-Mai. Chúng thấy Tự-Mai hành sự như người lớn, võ công cao, kiến thức rộng, tự cảm thấy mình thua xa. Đản tự nghĩ:

– Tự-Mai cùng tuổi với mình. Nó xuất thân danh gia đệ tử, nên mặt nào ta cũng thua nó. Tại sao ta không thể kết bạn với nó, để học hỏi lấy những điều hay? Ngày xưa, Bắc-bình vương Đào Kỳ, lạc cha mẹ từ nhỏ. Chỉ vì ước vọng tiến thân, thấy ai hơn cũng khuất thân theo học, mà trở thành nhân vật kỳ lạ nhất thời Lĩnh-nam. Ta phải lấy ngài làm gương mới được.

Nó đến bên Tự-Mai, nắm lấy tay. Tự-Mai quay lại nhìn người bạn mới mỉm cười, nói sẽ vào tai:

– Theo anh nghĩ., chúng ta phải làm gì?

– Anh thuộc địa thế hơn bọn nó. Vậy chúng ta cứ gỉa như còn bị thuốc mê. Rồi phục kích bắt hết. Ngay bây giờ chúng ta hỏi cung thằng Quách Quỳ thì biết bọn chúng là ai ngay.

Tôn Luận nói với Thanh-Mai:

– Cô nương, chúng ta phải thẩm vấn thằng nhỏ Quách Quỳ.

Thanh-Mai bảo Tự-Mai:

– Tự, em hỏi cung thằng nhỏ Quách Quỳ đi.

Tự-Mai nháy Tôn Đản. Hai đứa đến bụi hoa, nhắc Quách Quỳ lên. Quách Quỳ quát:

– Thằng Nam-man này. Mày thực là con chó. Nhân ta không chú ý cắn trộm mà thành công. Mi có giỏi cùng ta chiết chiêu. Nếu ta bại. Ta sẽ cung khai hết. Bằng nay ta bị trói, mi hành hạ ta, nhất định một câu ta cũng không khai. Ta nghe sư phụ nói rằng võ công của mi xử dụng hồi chiều đấu với ta là võ công phái Đông-a. Ta không ngờ tổ sư phái Đông-a xưa là Trần Tự-Viễn danh trấn Hoa Việt. Mà nay đồ tử đồ tôn lại hèn hạ như người.

Tự-Mai cười:

– Được, mi giữ lấy lời. Nếu mi thắng ta. Ta hứa sẽ tha cho mi. Ngược lại mi bại, mi phải cung khai hết mọi truyện với ta.

Tự-Mai cởi trói cho Quách Quỳ, rồi hỏi:

– Mi muốm đấu văn hay đấu võ?

– Ta muốn đấu võ.

Tự-Mai cười:

– Mi là người Hán. Ta là người Việt. Chúng ta đấu võ trên đất Việt. Như vậy ta là chủ, mi là khách. Ta nhường mi ra chiêu trước.

Quách Qùy không nhường nhịn, vung chưởng tấn công liền. Tự-Mai lui hai bước, trầm người tránh khỏi. Quách-Quỳ đánh một hư chiêu, rồi đá một hồi phong cước. Tự-Mai xuống đinh tấn, để cho cước Quách Quỳ qua đầu rồi dùng tay đẩy sẽ một cái. Quách Quỳ ngã lộn xuống đất. Nhanh như chớp, Tự-Mai phóng mình tới, đạp chân lên lưng Quách Quỳ, hỏi:

– Mi đã phục chưa?

– Được ta chịu thua. Nhưng ta không phục. Vì võ công mi vừa xử dụng là võ công Tiêu-sơn chứ đâu phải võ công Đông-a?

Tự-Mai nhăn mặt chế diễu:

– Mi không biết gì về võ sử Đại-Việt, để ta nói cho mi sáng mắt ra. Nguyên sáng tổ của phái Đông-a nhà ta xuất thân từ phái Tiêu-sơn, nên đôi khi có những chiêu của hai phái giống nhau. Được! Ta sẽ dùng võ công phái Đông-a thuần túy đấu với mi. Mi tấn công trứơc đi.

Quách Quỳ phóng quyền đánh vù một cái. Tự-Mai xòe bàn tay ra chụp lấy quyền của đối phương. Khi hai quyền sắp chạm vào nhau. Bàn tay Tự-Mai bật ngửa, bắt lấy quyền Quách Quỳ, quay một vòng, rồi giật mạnh. Quách Quỳ ngã chúi về trước. Tự-Mai co chân đá một cước vào mông Quách Quỳ. Quách Quỳ ngã lộn đi một vòng. Nó tự biết võ công đối phương cao hơn mình một bậc. Nếu đấu nữa cũng chỉ mua lấy thảm bại mà thôi. Vì vậy nó vẫy tay ra hiệu đầu hàng.

Tự-Mai là đệ tử danh gia. Võ đạo phái Đông-a lấy lượng cả bao dung mọi người, dù với quân thù. Nó đỡ Quách Quỳ dậy, phủi bụi trên quần áo đối thủ rồi an ủi:

– Tôi ra tay hơi nặng. Mong anh đừng buồn.

Quách Quỳ trầm tư một lúc rồi chậm chạp nói:

– Tôi họ Quách tên Quỳ, thuộc giòng dõi trung thần nhà đại Tống. Tổ tôi là đại-tướng quân Quách Quân-Biện. Niên hiệu Thái-bình Hưng-quốc năm thứ 5 đời vua Thái-tông bản triều. Tổ phụ tôi được hoàng đế phong chức Chinh-nam đại tướng quân, theo nguyên-sóai Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng đem quân sang chinh phạt Giao-chỉ.

Tôn Đản bực mình:

– Chinh phạt cái con bà mi. Tên vua thối tha Triệu Khuông-Nghĩa nhà Tống bọn mi ỷ thế nước giầu, dân đông, định chiếm Đại-Việt, mà mi lại nói là chinh phạt. Tao học sử, thì biết bọn bay dùng chữ chinh để chỉ thiên-tử dẹp giặc. Còn chữ phạt dùng để chỉ trừ kẻ dưới có tội. Tao hỏi mày, mước mày, vua mày làm chúa. Nước tao, vua tao làm vua. Tên ăn cướp Triệu Khuông-Nghĩa ỷ thế nước lớn, năm trước đó đem quân chiếm nước Bắc-hán của Lưu Kế-Nguyên. Sau định thừa thắng đánh Đại-Việt. Thế mà mày còn nói là chinh phạt. Tổ bà bọn cướp nước nhà mi.

Tự-Mai thấy Tôn Đản nóng nảy, nó định ngắt lời bạn. Song nó nghĩ thầm:

– Dân Hán với Việt cùng một nguồn gốc. Giữa người Hán với người Việt không thù, không oán. Thù oán là do bọn hủ Nho đặt ra những gì là Trung-nguyên, Thiên-tử v.v. rồi muốn bắt dân các nơi tuân phục. Tên Quách Quỳ này sang đây với tất cả cái kiêu căng đó. Cần để Tôn Đản chửi cho chúng sáng mắt ra.

Nghĩ vậy Tự-Mai nói:

– Thì ra anh là giòng dõi danh gia của triều Tống. Tôi cam thất lễ.

Tôn Đản hỏi Thanh-Mai:

– Hồi đó bên Đại-Việt là đời vua nào vậy?

Thanh-Mai sẽ vỗ vai Tôn Đản. Cử chỉ của nàng vừa mềm mại, vừa êm ái. Nàng cười:

– Bấy giờ là năm Kỷ-mão, niên hiệu Thái-bình thứ 10 đời vua Đinh Tiên-Hòang (979). Vua Đinh bị Đỗ Thích giết chết cùng với Nam-Việt vương Đinh Liễn. Vệ-vương Đinh Toàn lên ngôi. Quan thập-đạo tướng quân Lê Hoàn tự xưng làm phó-vương, tư thông với Thái-hậu Dương Vân-Nga, mẹ đẻ ra Đinh Toàn. Hai đại thần Nguyễn Bặc và Đinh Điền biết Lê Hoàn muốn cướp ngôi nhà Đinh. Hai ông đem quân đánh, Lê bị bại. Thái-hậu Dương Vân-Nga muốn cứu tình nhân. Bà vờ cho mời Nguyễn Bặc, Đinh Điền vào cung vỗ về an ủi. Hai ông vào cung, bị Dương Vân-Nga cho đao phủ phục giết chết. Trong khi đó bên Trung-nguyên, vua Thái-tông nhà Tống đem quân đánh Bắc-hán, chiếm được nước. Các quan biên trấn Trung-nguyên thấy bên Đại-Việt rối lọan, dâng biểu về triều đề nghị đem quân chiếm nước Việt.

Quách Quỳ tiếp:

– Từ khi khai thiên lập địa đến giờ. Trung-quốc là gốc văn minh thiên hạ. Các dân khác phải tuân phục. Từ Tam Hoàng, trải qua Hạ, Thương, Chu. Khổng-Tử phải khen « Chu đại úc úc hồ văn tai » nghĩa là văn minh thời Chu rực rỡ vô cùng. Tần thống nhất thiên hạ, Hán trải qua 400 năm thịnh trị. Đời Đường càng thịnh hơn. Kể từ khi đức Thái-tổ bản triều bình được thiên hạ đến giờ cũng đã mấy trăm năm. Không ngờ Trung-nguyên ngày càng yếu đuối. Bắc có rợ Khiết-đan thịnh trị lập ra nước Liêu. Trước đem quân vào cướp phá. Thói rợ thành quen, Liêu chiếm mất cả một giải Hoa-bắc. Niên hiệu Thuần-hóa nguyên niên đời vua Thái-tông (990) bọn rợ Khiết-đan còn xưng đế vị, muốn coi Trung-nguyên như chư hầu. Chúng bắt Tây-hạ qui phục. Phong cho vua Tây-hạ là Lý Kế-Thiên làm Hạ-vương. Sĩ dân không ai mà không nghiến răng căm thù.

Tôn Đản cười khảy:

– Người Hoa chỉ quen đi xâm chiếm thiên hạ. Nay bị người khác đánh mình thì chửi là dã man. Cũng như Đại-Việt ta, Trung-quốc đem quân đánh, thì bảo là chinh phạt. Còn khi Trung-quốc yếu, bị người ta đánh thì bảo rằng Man-di không đựơc phạm Hoa.

Tự-Mai nháy mắt, ý muốm nói với Tôn Đản rằng : Đừng cắt ngang, để cho nó khai . Tôn Đản ngậm miệng , nhưng trong lòng còn ấm ức.

Quách Quỳ tiếp:

– Đã hết đâu, phía đông bắc còn rợ Cao-ly, lập thành nước riêng biệt hùng cứ một giải. Giáp binh của bọn Khiết-đan chúng trên trăm vạn, hàng năm đem quân cướp phá. Dân chúng chịu không biết bao nhiêu điều khổ cực. Phía Nam nước Đại-lý biên thùy một cõi, tuy ngoài mặt thần phục, song bên trong vẫn tổ chức binh lực cực mạnh, lại còn bọn Nam-man ở đất Giao-chỉ nữa.

Nói đến đó biết mình lỡ lời, Quách Quỳ im bặt. Tôn Đản đổ quạu tát một cái thực mạnh vào mặt nó:

– Đồ chó đẻ. Mày là người Hán. Tao gọi là Hán. Hà cớ gì mày gọi chúng tao là Nam-man. Vậy tao cũng gọi chúng mày là bọn chó Ngô. Chúng mày có chịu không?

Tôn Đản lại tát cho Quách Quỳ hai cái nữa. Thanh-Mai vỗ vào vai Tôn Đản:

– Những tiếng Nam-man, chó Ngô chẳng qua là khẩu từ thô tục trong dân dã chửi nhau. Em là thiếu niên có giáo dục không nên dùng. Giòng Bách-Việt với Hán tộc vốn cùng một ông tổ. Sau này, bọn ác độc phân biệt Nam, Bắc rồi phân Hán, phân Việt. Chúng ta cần duy trì tình lân bang giữa Trung-quốc với Đại Việt. Người Việt chủ gây hận thù. Người Hán chủ xâm chiếm đất Việt đều đáng trừng phạt. Quách tiểu công tử chẳng may bị ảnh hưởng của bọn tồi tệ, nên mới phát ra chữ Nam-man. Em đã tát Quách công tử rồi. Chẳng nên thóa mạ tất cả người Hán.

Tôn Trung-Luận hỏi:

– Thanh cô nương! Tôi ngu tối qúa. Không biết cô nương căn cứ vào đâu mà dạy rằng Bách-Việt với Hán tộc cùng một ông tổ. Tôi học từ nhỏ rằng Quốc- tổ Lạc-Long quân với Quốc-mẫu Âu-Cơ kết hôn đẻ ra trăm con, giao cho mỗi con cai trị một phương, sau thành Bách-Việt. Còn tổ tiên giòng Hán thì là ông Bành-Tổ. Chứ chưa hề nghe hai giòng cùng một ông tổ.

Quách Quỳ cũng hỏi:

– Tôi đã học đủ kinh, sử, tử, tập cùng Cửu-lưu, Tam-giáo. Không chỗ nào mà không thông. Tôi chưa từng đọc, từng thấy nói rằng người Việt với ngừơi Hán cùng một ông tổ. Hẳn cô nương có sở kiến cao hơn. Xin đừng tiếc công chỉ dạy. Bộ sử cổ nhất của chúng tôi là bộ Sử-ký do Tư-mã-Thiên biên cũng khởi chép từ quyển một là Hoàng Đế bản kỷ. Kéo dài mãi đến quyển sáu là Tần Thủy Hoàng bản kỷ không hề thấy có chỗ nào chép rằng Hán, Việt cùng một tổ.

Thanh-Mai chỉ Tự-Mai:

– Em trả lời Tô tiền bối với Quách tiểu công tử đi.

Trần Tự-Mai kính cẩn nói với Tôn Trung-Luận:

– Hẳn bác đã nghe chấu bốn đời vua Thần-Nông đi tuần thú phương Nam. Đến núi Ngũ-lĩnh kết hôn với một nàng tiên, đẻ ra thái tử Lộc-Tục. Ngài lập đàn tế cáo trời đất rằng: phương Bắc nhường ngôi cho con trưởng tức vua Đế-Nghi tức là Trung-nguyên. Nam từ núi Ngũ-lĩnh truyền cho con thứ là Lộc-Tục làm vua Lĩnh-nam. Lộc-Tục lên làm vua tức Kinh-dương vương. Kinh-dương vương lấy con gái vua Động-Đình đẻ ra thái tử Sùng-Lãm. Thái tử Sùng-Lãm lên làm vua, hiệu là Lạc-Long quân. Lạc-Long quân lấy bà Âu-Cơ, con vua Đế-Lai, đẻ ra trăm con. Vua Thần-nông chẳng là quốc tổ Trung-quốc lẫn Lĩnh-nam đấy ư ? Lĩnh-nam nay là Đại-Việt.

Tự-Mai nói với Quách Qùi:

– Trong bộ Sử-ký, Tư-mã Thiên khởi chép như sau:

  • Quyển một Hoàng Đế bản kỷ.

  • Quyển hai Đế Nghiêu bản kỷ.

  • Quyển ba Đế Thuấn bản kỷ.

  • Quyển bốn Hạ bản kỷ.

  • Quyển năm Thương bản kỷ.

  • Quyển sáu Chu Bản kỷ.

Tư-mã Tử-Trường (2) không hề chép về Phục-Hy, Thần-Nông. Song trong dân chúng đều thờ ba ngài làm Tam Hoàng. Đó là truyền sử. Truyền sử có thì dân chúng mới thờ. Tư-Mã chép thiếu. Chúng ta không thể vì nhưng gì Tư-Mã không chép mà bảo là không có. Kết lại thì Thần-Nông là tổ của cả Hoa lẫn Việt. Còn Kinh-dương vương là tổ người Việt về chính trị. Cũng như Hoàng-đế là tổ Trung-quốc về chính trị vậy.

Ghi chú

Tư-mã Thiên, tự là Tử-Trường, người đất Long-môn. Ông là một đại sử gia đời Hán. Nghe, biết rộng, nhớ giai. Vua Hán Vũ-Đế cho ông lĩnh chức lang trung đi sứ Thục. Thành công. Được giao giữ chức Thái-sử lệnh, một chức quan coi về chép sử, lịch số. Niên hiệu Thiên-hán thừ nhì (99 trước TL), bạn ông là Lý Năng đem quân đánh Hung-nô, bị vây phải hàng giặc. Triều đình đem cả nhà Lý Năng ra chém. Ông cực lực bênh bạn, trái ý vua. Vua Vũ-Đế đem ông bỏ ngục, rồi phải tội cung hình (thiến). Phẫn chí, ông dồn tâm não chép bộ sử lớn nhất đầu tiên của Trung-quốc tên Sử-ký gồm 130 quyển, trên 52 vạn chữ.

Tự-Mai hỏi Quách Quỳ:

– Xin công tử tiếp cho.

Quách Quỳ biết sự thể không thể dấu diếm được, nó khai:

– Tổ phụ tôi cùng với đại quân Tống trên 20 vạn, thêm 30 vạn dân phu. Nguyên soái Hầu Nhân-Bảo chỉ huy một cánh theo đường châu Ung. Bình-Man đại tướng quân Tôn Toàn-Trung chỉ huy một đạo theo đường châu Liêm. Trong khi đó đại đô đốc Lưu Trừng vượt biển tiến vào sông Bạch-đằng. Tổ phụ tôi theo cánh quân của Hầu nguyên sóai.

Tự-Mai cười:

– Truyện này tôi biết rồi. Thủy quân của Lưu Trừng bị đánh tan trên sông Bạch-đằng. Quân Đại-Việt diệt toàn bộ đạo này. Còn đạo của Hầu Nhân-Bảo bị chặn đánh ở Chi-lăng. Đạo của Tôn Toàn-Hưng chạy bán mạng mới về tới Trung-nguyên.

Ba anh em Tôn Mạnh, Trọng, Qúi ít nói, bị đánh thuốc mê mới tỉnh dậy. Chúng nghe truyện trong cơn mơ mơ hồ hồ. Bây gìơ mới tỉnh hẳn. Tôn Trọng hỏi:

– Anh Tự-Mai, anh thuật cho bọn này nghe truyện đó đi.

Tự-Mai thủng thẳng kể:

– Khi quân Tống đang tiến vào đất Đại-Việt. Thái hậu Dương Vân-Nga cử Thập-đạo tướng quân Lê Hoàn mang quân cự giặc. Lê Hòan họp 10 đại tướng chỉ huy 10 đạo quân lại nói rằng: « Giặc dữ đang tới. Vua thì còn thơ ấu. Ta thì bị nghi ngờ, vậy phải làm sao bây gìơ ». Các tướng hội bàn, thấy rằng nếu tình trạng tướng cầm quân bị nghi ngờ. Trong thì vua còn nhỏ, nước chắc chắn bị mất. Đại-Việt trải qua trên nghìn năm bị người Hán cai trị. Nay nếu vì trung thành với vua Đinh, thì cảnh nước mất không tránh được. Dù sao Lê Hoàn cũng hơn người Hán. Lê Hoàn lên làm vua, thì đất nước vẫn trong tay người Việt. Cuối cùng các tướng tôn Lê Hoàn lên làm vua. Thái hậu Dương Vân-Nga thân đem hoàng bào choàng lên người Lê Hoàn. Lê Hoàn lên làm vua rồi, phong thưởng cho các tướng đem quân cự giặc.

Tôn Mạnh hỏi:

– Tôi nghe nói Lê Hoàn là đệ tử tục gia của phái Tiêu-sơn. Bấy gìơ thiền sư Vạn-Hạnh đang giữ chức chưởng môn. Không những người không cản Lê Hoàn mà còn trợ giúp y đánh giặc nửa. Đạo lý ở chỗ nào vậy?

Tự-Mai cười:

– Chúng ta hiện đang sống trong khung cảnh tam giaó Nho, Lão, Phật. Song vào thời đó, Nho học còn lu mờ. Phật học thịnh. Đối với thiền sư Vạn-Hạnh thì ngài không biết đến những cái gì là trung quân, trung nghĩa cả. Ngài chỉ biết rằng trước mắt thế nước chông chênh, dân bị khốn khổ trong một sớm, một tối. Vì vậy ngài phài đứng lên suất lĩnh võ lâm cứu nước. Vả lại vua Đinh Tiên-Hoàng dựng nước cũng đã gây ra một cái nghiệp, thì nay con của ngài trả qủa cũng không phải là truyện lạ.

Quách Quỳ hỏi:

– Tôi không nghe biết truyện đó.

Tự-Mai gật đầu:

– Anh không biết là phải. Truyện ấy như thế này. Khi vua Đinh Tiên-Hoàng đánh 12 sứ quân. Trong đó có Ngô Nhật-Khánh, dòng dõi Ngô Quyền. Vua lấy mẹ y làm hậu, đem em gái y gả cho con mình là Đinh Liễn, và đem con gái mình gả cho y. Vì những ràng buộc đó, mẹ y giúp vua Đinh, thành ra y bị thua. Y bỏ chạy vào Chiêm-thành. Năm Kỷ-mão (979) y mang quân Chiêm về chiếm lại ngôi vua, bị bão, chiến thuyền chìm hết ở cửa sông Đại-ác (sau là Thần-phù). Nay vua Đinh chết, con vua cũng bị mẹ dâng ngôi vua cho tình nhân. Đó là cái qủa vậy.

Tự-Mai ngừng một lát rồi tiếp:

– Lê Hoàn được thiền sư Vạn-Hạnh suất lĩnh võ lâm thiên hạ trợ giúp. Ngài triệu tập anh hùng đại hội trên núi Tiêu-sơn. Các đại môn phái như Tiêu-sơn, Mê-linh, Tản-viên, Đông-a, Sài-sơn, Tây-vu đều đồng lòng gạt bỏ tội lỗi của Lê Hoàn, cương quyết cùng quân Đại-Việt đuổi giặc.

Thanh-Mai tiếp lời em:

– Hầu Nhân-Bảo là một đại tướng quân khét tiếng Trung-nguyên. Năm Khai-bảo thứ 7 đời vua Tống Thái-tổ (974) được sai cầm quân đánh Nam-Đường. Y diệt được nước này. Đến niên hiệu Thái-bình Hưng-quốc thứ tư đời vua Tống Thái-tông thân chinh đánh Bắc-hán, y được cử cầm quân. Sau khi diệt Bắc-hán, y lại được cử làm nguyên soái đánh Đại-Việt. Khi vua Tống Thái-tông triệu Hầu Nhân-Bảo vào triều phong cho làm đại nguyên súy. Vua có hỏi Bảo: « Với 20 vạn quân, 30 vạn dân phu đã đủ chưa? ». Bảo tâu : « Như vậy qúa đủ ». Vua hỏi : « Có còn lo lắng điều gì không ». Bảo tâu : « Quân Giao-chỉ là quân ô hợp, nghỉ lâu ngày không quen chiến trận. Trong khi đó, quân ta được huấn luyện kỹ lưỡng. Đó là một điều ta tất thắng, giặc tất thua. Quân ta đi kỳ này vừa đân vừa quân trên 50 vạn. Trong khi giặc chỉ có 10 vạn. Đó là hai điều ta tất thắng, giặc tất thua. Quân ta đi, có chiếu chỉ của thiên tử, chính nghĩa sáng ngời. Trong khi đó Lê Hoàn vừa cướp ngôi nhà Đinh, bề tôi gian dâm với vợ chúa, giết hại trung thần, làm truyện soán nghịch. Cổ kim chưa từng có. Đó là ba điều ta tất thắng, giặc tất thua ».

Tôn Mạnh cười khúc khích. Quách Quỳ bực mình:

– Tôn công tử. Lời nghị luận của tổ tiên tôi đanh thép như thế, sao công tử lại cười chế ngạo?

Tôn Mạnh hừ một tiếng:

– Ta cười chế ngạo Hầu Nhân-Bảo , chứ có chế ngạo tổ tiên người đâu? Hầu Nhân-Bảo là một đại tướng danh tiếng Trung-nguyên, đã từng chiến thắng khắp nơi. Y tưởng Đại-Việt cũng như Trung-nguyên. Vì vậy y bại là phải.

Quách Quỳ đổ quạu:

– Không ngờ tôi đang ngồi trước mặt một vị hùng tài đại lược hơn cả Tôn-tử. Họ Quách này xin rửa tai nghe Tôn công tử dạy dỗ.

Tôn Mạnh cười nhạt:

– Về điều thứ nhất, Hầu đã nhìn sai rồi. Quân Đại-Việt tuy không kinh nghiệm chiến đấu. Song nước Việt lúc nào cũng bị nạn ngoại xâm đe dọa. Vì vậy quân lính luyện tập không ngừng. Đó là một điều Hầu sai lầm. Điều thứ nhì Hầu cho rằng với 20 vạn quân, thêm 30 vạn dân phu. Trong khi Đại-Việt chỉ có 10 vạn. Hầu tưởng với lực lựơng như vậy, có thể đè bẹp quân Đại-Việt. Hầu đâu biết khi quân xâm lăng tới, thì trai cũng như gái, gìa cũng như trẻ đều trở thành chiến sĩ. Điều thứ ba, Hầu cho rằng Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh, gian dâm với Dương Vân-Nga là trái đạo lý. Song đạo lý đó là đạo lý Khổng Mạnh, ảnh hưởng nhiều bên Trung-nguyên. Trong khi bên Đại-Việt Phật giáo mới ảnh hưởng sâu đậm vào quần chúng. Việc của Lê Hoàn tuy có bị chê trách, nhưng võ lâm Đại-Việt không nhìn vào lỗi đó, mà chỉ nhìn vào công cuộc bảo vệ đất nước. Y lại cũng không ngờ đến việc thiền sư Vạn-Hạnh đứng ra triệu tập anh hùng thiên hạ chống giặc Tống.

Tôn Đản tiếp tục hỏi cung Quách Qùy:

– Quách công tử. Công tử kể tiếp cho.

Suy nghĩ một lúc, Quách Quỳ đáp: Nguyên-súy Hầu Nhân-Bảo tâu tiếp « Thần chỉ sợ một điều, là võ công Giao-chỉ từ thời Tần, Hán vốn đã sáng chói hơn Trung-nguyên. Sau này có thời bị lu mờ. Song trong mấy trăm năm qua lại hưng thịnh lên. Vì vậy thần xin bệ hạ viện cho mấy đại cao thủ ».

Tống Thái-tông cũng nhận thấy thế. Ngài đáp : « Trẫm lo lắng chỉ có điều đó. Thời Tần Thủy Hòang, một kiếm khách Lĩnh-nam sang Trung-nguyên, thắng khắp anh hùng thiên hạ. Nhân đấy y ghi chép tất cả võ công Trung-nguyên rồi về nghiên cứu ra phá cách. Bởi vậy sau đó Đồ Thư anh hùng biết mấy, mà bị chôn thây ở Ma-tần-lĩnh cùng 50 vạn quân. Lại đời Đông Hán, Sầm Bành, Phùng Dị võ công vô địch, mà chết dưới tay Đào Kỳ. Hoài-Nam vương nổi tiếng Thái-sơn thần kiếm, bị bại dưới tay Phật-Nguyệt. Tuy nhiên trẫm nghe võ công thời Lĩnh-nam hiện đã thất truyền. Nay nhà ngươi là đương kim vô địch trong các tướng của triều đình. Ngoài ra Tôn Toàn-Hưng, Trần Khâm-Tộ, Lưu Trừng đều là đại tướng vô địch bản triều, không lẽ trong thiên hạ còn có người võ công cao hơn nữa chăng ». Hầu nguyên soái tâu : « Tuy bọn thần võ công cao thực, song còn thua hai người là Triệu Phụng-Huân và Quách Quân-Bảo. Hai vị ẩn sĩ cao nhân này võ công cao không biết đâu mà lường. Triệu thuộc phái Võ-đang, kiếm thuật thần thông. Quách thuộc phái Thiếu-lâm, chưởng lực vô song ». Vì vậy tổ phụ tôi được vua Thái-tông sai sứ giả thỉnh, theo cuộc Nam chinh.

Tôn Trung-Luận ngắt lời:

– Trần cô nương, tôi chưa hề nghe đến tên hai tướng Quách Quân-Bảo, và Triệu Phụng-Huân. Họ theo đạo quân nào sang đánh Đại-Việt?

Thanh-Mai gật đầu:

– Có. Triệu theo đạo Hầu Nhân-Bảo. Quách theo đạo thủy quân. Tin tức về sáu đại cao thủ Trung-nguyên cầm quân sang đánh Đại-Việt khiến thiền sư Vạn-Hạnh lo lắng không ít. Đương thời võ lâm Đại-Việt chỉ có năm đại cao thủ thuộc lọai đệ nhất. Một là thiền sư Vạn-Hạnh chưởng môn phái Tiêu-sơn, hai là sư đệ của người là thiền sư Lý Khánh-Vân. Ba là chưởng môn phái Đông-a Trần Trí-Đức, bốn là chưởng môn phái Mê-linh sư thái Hoa-Minh, năm là chưởng môn phái Tản-viên Đặng Đại-Sơn.

Tôn Trung-Luận hỏi:

– Thế còn phái Sài-sơn, Tây-vu, hai phái đó không tham dự sao?

– Có chứ. Nhưng chưởng môn phái Sài-sơn là sư thái Đàm-Nhẫn tuổi qúa cao, mà người vai dưới, công lực không đủ. Trong khi đó thì cao thủ Trung-nguyên kéo sang Đại-Việt có hàng ngàn. Trước hoàn cảnh đó, đại tướng Phạm Cự-Lượng đề nghị dùng chiến pháp « phân, hợp » của công chúa Thánh-Thiên khi xưa đánh trận Nam-hải.

Quách Quỳ nghe đến tên Thánh-Thiên, sắc mặt y tái nhợt trông thực khó coi. Y hỏi:

– Tôi nghe bộ Dụng binh yếu chỉ của công chúa Thánh-Thiên đã thất truyền. Không ngờ vẫn còn truyền tụng.

Thanh-Mai tiếp:

– Thiền-sư Vạn-Hạnh đồng ý. Ngài cùng Lê Hoàn, Phạm Cự-Lượng bàn định kế sách. Cả ba đồng ý rằng đạo quân châu Ung, Liêm tiến sang là chính binh. Đạo Bạch-đằng là kỳ binh. Vì vậy dùng hai vị sư thái Hoa-Minh, Đàm-Nhẫn theo trợ giúp Phạm Cự-Lượng chặn đạo quân do Tôn Toàn-Hưng, Triệu Phụng-Huân từ châu Liêm tiến sang. Thiền sư Vạn-Hạnh cùng đại hiệp Đặng Đại-Sơn theo trợ giúp Lê Hoàn ngăn đạo quân từ châu Ung tiến sang do Hầu Nhân-Bảo, Trần Khâm-Tộ chỉ huy. Cả hai đạo đánh cầm chừng. Đợi cho thiền sư Lý Khánh-Vân với đại hiệp Trần Trí-Đức diệt xong dạo kỳ binh của Lưu Trừng với Quách Quân-Bảo, rồi sẽ lên tiếp viện với hai đạo trên.

Quách Quỳ gật đầu:

– Thì ra là thế. Khi khởi binh, vua Thái-tông truyền lệnh giữ thực bí mật về kế sách. Dùng thủy-binh làm đạo chính binh, mà không lấy thủy binh ở châu Khâm, châu Liêm, vì sợ bị lộ, mà lấy thủy quân vùng Chương-châu, Tuyền-châu làm như chỉ có bộ binh, kị binh đánh Giao-chỉ, không dùng thủy quân. Không biết bằng cách nào mà bên Đại-việt biết rõ mưu kế của đại Tống. Thì ra tổ tiên tôi bại vì không bảo toàn cơ mật.

Thanh-Mai cười:

– Thủy quân của Lưu Trừng tiến vào sông Bạch-đằng, dự định đánh bọc hậu hai đạo quân Đại-Việt đang nghênh chiến ở vùng Chi-lăng, Đông- triều. Hai đạo quân bị tiền hậu thọ địch, chắc chắn tan vỡ. Hạm đội Tống chờ đêm đến mới tiến vào cửa sông, bất thần đổ bộ, chiếm một lúc năm ải ven sông dễ dàng. Quân Đại-Việt chống đỡ lấy lệ, rồi bỏ chạy. Lưu Trừng mừng rỡ, tưởng rằng kế họach thành công mỹ mãn. Y cho toàn bộ quân sĩ đổ bộ. Người ngựa sau hơn tháng hành trình mệt mỏi, giờ đây tha hồ chạy nhảy cho dãn gân, dãn cốt. Dưới mỗi chiến thuyền chỉ để một hai thủy thủ canh gác. Thình lình nửa đêm, nước chảy siết. Các chiến thuyền bị đứt dây cột trôi về hạ lưu. Lúc đầu Lưu Trừng, Quách Quân-Bảo tưởng thuyền bị đứt dây. Y hô kị mã men theo bờ sông đuổi theo. Đuổi một lúc y mới bật ngửa ra rằng không phải. Vì trên 500 chiến thuyền, « trôi» giữa giòng, chứ không quay tròn, tỏ ra có người lái. Thì ra đại hiệp Trần Trí-Đức đã dùng một đám đệ tử giỏi bơi lội, từ bên kia sông bơi qua, âm thầm leo lên giết chết thủy thủ giữ thuyền, cắt dây, cho thuyền trôi đi. Việc làm êm đềm, thần không biết, quỉ không hay. Khi quân canh trên bờ phát giác ra thì không còn kịp nữa.

Tôn Trọng khoan khoái trong lòng:

– Thế là cánh quân thủy tan vỡ. Vì khi thủy quân đã lên bờ thì không còn uy lực. Hơn nữa, nào lương thảo, nào vũ khí, nào quần áo đều để trên thuyền. Nay thuyền mất, thì không cần đánh, một ngày là phải hàng.

Thanh-Mai tiếp:

– Thế là quân Tống sau hơn tháng trời trên biển mệt mỏi, vừa thiếp đi, lại bị đánh thức dậy. Sáng hôm sau chiến thuyền Tống theo nước thủy triều tiến lên. Trên chiến thuyền kéo cờ Đại-Việt. Quân dân Đại-Việt gươm giáo sáng ngời. Các chiến thuyền bỏ neo ở giữa sông, phất cờ đánh trống. Hễ quân Tống định di chuyển, thì quân Việt lại chèo vào bờ định đổ bộ. Trước hoàn cảnh đó, Lưu Trừng đành cho quân lính đi vào thôn ấp gần đó cướp lương thảo. Không ngờ hết toán này đi, đến toán khác đi đều không thấy trở về. Y nổi giận cho một tướng dẫn hơn ngàn quân đi tìm lương, đến chiều đem về được nào trâu, nào lợn, nào gạo, nào rau. Y truyền quân sĩ giết trâu, mổ lợn nấu cơm ăn. Suốt ngày hôm đó quân Đại-Việt không tấn công. Đêm hôm ấy y truyền quân sĩ không được cởi giáp trụ, thay nhau canh gác. Không ngờ đến sáng, quân Đại-Việt vẫn bất động. Nhưng sáng hôm sau y khám phá ra quân Tống hầu hết bị đau bụng, tiêu chảy. Thì ra đại hiệp Trần Trí-Đức truyền quân sĩ lấy thuốc độc pha trong nước rồi đem rau, đậu nhúng vào, đưa cho quân Tống cướp đi. Chúng ăn phải, bị tháo dạ hết. Bấy giờ quân Đại-Việt mới từ các xóm làng tấn công. Thủy quân đổ bô. Quân Tống không còn sức chiến đấu, đành đầu hàng. Lưu Trừng, Quách Quân-Bảo không chịu đầu hàng. Cả hai nhất quyết cùng các tướng tử chiến. Thiền sư Lý Khánh-Vân không nỡ để các tướng Tống, Việt chết thảm, ngài đề nghị bên Tống cử ra ba người, bên Đại-Việt cử ra ba người đấu. Nếu Tống thắng hai, thì ngài sẽ tha cho các tướng ra về. Còn nếu Việt thắng hai thì, các tướng Tống phải đầu hàng.

Quách Quỳ gật đầu:

– Cô nương thuật đúng. Tổ phụ của tôi đấu với thiền-sư Lý Khánh-Vân. Sau 400 hiệp thì yếu sức, bị bắt. Còn đô đốc Lưu Trừng đấu với Trần Trí-Đức. Trí-Đức dùng một thứ võ công kỳ lạ hơi giống võ công Tiêu-sơn, sau 300 hiệp, Lưu đô đốc cùng với Trí-Đức hòa, vì sức cùng lực kiệt. Lưu đô đốc được thư thả ra về.

Tự-Mai cười:

– Sai rồi. Sau khi đấu được trên trăm chiêu, Lưu Trừng bị bại, cũng bị bắt. Bấy giờ cánh quân của thiền sư Lý Khánh-Vân cùng đại hiệp Trần Trí-Đức dùng chiến thuyền Hán tiến ra khơi, đổ bộ lên Tây-kết tiếp chiến với đạo quân của đại tướng Phạm Cự-Lượng cùng hai vị sư thái Hoa-Minh, Đàm-Nhẫn. Khi hai đạo quân bắt tay được với nhau. Đại-tướng Phạm Cự-Lượng đề nghị tha một số tướng Tống về, để Tôn Toàn-Hưng, Triệu Phụng-Huân biết đạo quân thủy đã tan, thì không cần đánh, đạo này cũng vỡ. Thiền-sư Khánh-Vân đồng ý. Ngài truyền thả Lưu Trừng cùng 20 tướng khác về bên Tống. Quả nhiên Tôn Toàn-Hưng thấy Lưu Trừng cùng các tướng đạo hải quân được tha về hồn phi phách tán. Nửa đêm y truyền lệnh rút quân. Bấy giờ đại tướng Phạm Cự-Lượng mới tung quân đuổi theo. Trận đánh Tây-kết kéo dài hai ngày hai đêm, trên một tuyến hơn 50 đặm. Tôn Toàn-Hưng, Triệu Phụng-Huân bị bắt. Đạo lục quân bị diệt trọn vẹn. Sau khi diệt đạo quân này, đại tướng Phạm Cự-Lượng đem đại quân đánh phía sau, trong khi đạo quân Lê Hoàn đánh phía trước. Giữa trận đại chiến, đại hiệp Trần Trí-Đức giết chết Hầu Nhân-Bảo. Trần Khâm-Tộ chạy thoát về Trung-nguyên.

Tôn Mạnh giật mình hỏi:

– Phải chăng thiền sư Khánh-Vân là sư phụ của đức Thuận-thiên hoàng đế bản triều?

– Đúng đấy.

Tôn Đản nhắc Quách Quỳ:

– Thôi chúng ta ngừng nói truyện xưa ở đây. Quách công tử, người cho chúng tôi biết tại sao người lại sang Đại-Việt. Những người đi với công tử là ai vậy?

Quách Quỳ thở đài:

– Kể từ khi đức Thái-tổ khải-vận lập cực anh võ duệ văn thần đức thánh công chí minh đại hiếu hoàng đế lập ra Đại-tống. Tiếp theo đức Thái-tông thần công thánh đức văn võ hoàng đế kiến tạo sự nghiệp, trước diệt bọn ngụy Bắc-hán, Nam-Đường, sau chinh phục man di, hiển hách vô cùng. Nào ngờ, đến nay bị bốn phương uy hiếp. Sĩ dân thiên hạ cùng cảm thấy cay đắng.

Y ngừng lại một lúc rồi tiếp:

– Cách đây ba năm. Phương-trượng chùa Thiếu-lâm là Thanh-Lạc đại sư cùng với chưởng môn nhân các đại môn phái có sáng kiến tổ chức đại hội anh hùng hầu tìm lấy phương sách cứu nước. Sau 10 ngày bàn luận, không ai tìm ra đựơc điều gì. Cuối cùng nghị hội kết luận rằng sở dĩ các nước Liêu, Tây-Hạ, Đại-lý hùng mạnh vì vua, tôi một lòng. Còn nhà Đại-Tống trong thì vua hôn ám, đại thần chỉ biết hối lộ, đầu hàng Liêu. Tướng sĩ ngoài biên cương không biết mình chiến đấu cho ai? Chiến đấu rồi cũng đến chết uổng mà thôi. Trong khi quần hào thất vọng thì một vị đại hiệp cụt tay phải tên Triệu Thông đứng lên phát biểu ý kiến.

Thanh-Mai hỏi:

– Có phải Triệu Thông xuất thân phái Võ-đang không?

– Vâng! Sao cô nương biết? Triệu đại hiệp kiếm pháp thần thông thuộc phái Võ-đang. Hồi tòng quân giữ chức Chinh-di đại tướng quân. Trong lần trấn giữ thành Ung bị quân Đại-Việt tiến đánh, mất một cánh tay. Vì vậy sĩ dân đều kính trọng.

Tôn Trung-Luận hỏi Thanh-Mai:

– Cô nương! Làm gì có truyện đó?

Thanh-Mai tính đốt ngón tay:

– Có, nhất định có. Việc này vang lừng thiên hạ. Trong lúc trấn thủ Ung thêm Giác-Minh thiền sư, thủ tọa Đạt-Ma đường chùa Thiếu-lâm, cùng với Duyên-Hoa sư thái của phái Nga-mi. Cả ba đại cao thủ cùng bị các cao thủ Đại-Việt đánh bại.

Tự Mai vỗ tay reo:

– Em nhớ ra rồi. Việc này xảy ra vào niên hiệu Thuận-Thiên năm thứ 13 bản triều. Bấy gìơ bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Càn-hưng nguyên niên đời vua Tống Chân-tông (1022, Nhâm-Tuất) mới cách đây mấy năm. Bấy giờ bọn quan trấn thủ biên giới Tống là Đại Nguyên-Lịch thường thả quân tràn qua biên giới cướp bóc, giết hại dân vô tội. Vua sai em là Dực-thánh vương đem quân phòng thủ. Đại Nguyên-Lịch quen thói cũ cho quân cướp phá. Dực-thánh vương phản công, đuổi tràn qua đất Tống đến chân thành Ung. Sự việc này trùng hợp với việc đại hội võ lâm Lĩnh-nam. Nguyên từ thời vua Ngô Quyền, các võ phái Lĩnh-nam ấn định mỗi năm đại hội mỗt lần, để chư đệ tử hiểu nhau, hầu tránh đụng chạm. Trong 7 môn phái, cứ mỗi môn phái đứng ra tổ chức một kỳ. Năm đó đến lượt phái Tây-vu tổ chức. Chưởng môn phái Tây-vu là phò-mã Thân Thừa-Quý đứng ra triệu tập. Nơi đại hội là châu Quảng-nguyên. Châu Quảng-nguyên giáp giới với Trung-Nguyên. Võ lâm Trung-nguyên cho rằng Đại Việt định đem quân tấn công. Họ cũng tổ chức đại-hội ở Ung-châu đề phòng. Gữa lúc đó, đoàn quân Tống trấn giữ biên cương tràn sang cướp phá. Võ lâm Đại-Việt, trợ giúp quân của Dực-thánh vương, vượt biên giới đuổi theo tới thành Ung-châu. Võ lâm Trung-nguyên xuất thành bên quân Tống. Vì vậy xẩy ra cuộc huyết chiến.

Tôn Trung-Luận hỏi:

– Cuộc chiến diễn ra như thế nào?

Tự-Mai khoan thai kể:

—–> Hồi 3

This entry was posted in 04- ANH HÙNG TIÊU SƠN. Bookmark the permalink.